Nghị định 168 do Chính phủ ban hành vào năm 2024, theo đề nghị của Bộ Công an, không những được đánh giá là một sai lầm nghiêm trọng của Bộ Công an, mà còn là một tử huyệt mới của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Đây là một bước ngoặt liên quan đến tên tuổi, và uy tín của ông Tô Lâm. Có lẽ, đây sẽ là dấu chấm hết cho sự kỳ vọng của số đông dân chúng vào người đứng đầu của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Công luận nhận ra rằng, nếu tiếp tục với lối “nói một đường, làm một nẻo” của ông Tô Lâm như hiện nay thì Việt Nam sẽ không bao giờ phát triển được. Vì mục tiêu phát triển phải đi đôi với dân giàu, nước mạnh. Với những chính sách của Nhà nước Việt Nam như hiện nay, dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, chỉ “chăm chăm” mục tiêu vặt lông dân như đã thấy hiện nay.
Công luận thấy rằng, hiện nay chỉ có quan chức, cán bộ và phe nhóm là ngày càng giàu lên còn những người dân lao động chân chính sẽ ngày càng bị bóc lột nặng nề hơn, và đang nghèo đi.
Đây là lý do, trái ngược với bức tranh màu hồng do truyền thông nhà nước “tô vẽ”, thì nền kinh tế Việt Nam ngày càng suy thoái, cuộc sống người dân ngày càng khó khăn, vất vả hơn.
Lâu nay, Việt Nam được gọi là một nhà nước “công an trị”, do sự tham gia sâu rộng và quyền lực lớn của lực lượng công an trong mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, và xã hội.
Lực lượng công an có mặt ở hầu hết các cấp địa phương, từ thành thị đến nông thôn, và tham gia vào nhiều khía cạnh của đời sống xã hội, tạo ra một mạng lưới kiểm soát chặt chẽ.
Trong khi đó, Bộ Công an Việt Nam được gọi là “bộ siêu quyền lực”, do vai trò và phạm vi hoạt động rộng lớn của cơ quan này trong hệ thống chính trị Việt Nam. Bộ này thường xuyên tham gia vào các quyết định quan trọng của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là trong lĩnh vực an ninh và chính trị quốc gia.
Đây là lý do, đã có rất nhiều lãnh đạo cấp cao của Bộ Công an cũng nắm giữ các vị trí quan trọng trong bộ máy đảng, và nhà nước. Và có tiếng nói quyết định trong Bộ Chính trị, thậm chí lấn át cả quyền lực của phe Quân Đội.
Đáng chú ý, trong những ngày gần đây, trong trào lưu tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị. Theo chủ trương của Bộ Nội vụ và Chính phủ, hàng loạt các bộ máy quan trọng của các bộ ngành khác được chuyển về Bộ Công an.
Cụ thể, Tổng Công ty MobiFone, Cơ quan Kiểm soát không lưu, Bộ phận Đào tạo, Sát hạch, Cấp giấy phép, thậm chí cả Bộ Tư lệnh Biên phòng…, tới đây cũng được chuyển về cho Bộ Công an trực tiếp quản lý.
Theo giới phân tích, chủ trương này có thể mang lại hiệu quả trong việc tăng cường an ninh và ổn định chính trị. Tuy nhiên, nó cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, bao gồm lạm quyền, hạn chế quyền tự do, và mất cân bằng trong hệ thống quản lý nhà nước.
Câu nói “Quyền lực tuyệt đối sẽ dẫn đến tha hóa tuyệt đối” là một lời cảnh tỉnh quan trọng đối với Bộ Công an nói chung, và Tổng Bí thư Tô Lâm nói riêng.
Khi quyền lực quá lớn, các giá trị đạo đức và trách nhiệm phục vụ nhân dân có thể bị suy giảm. Thay vì bảo vệ công lý, một số cá nhân trong ngành công an có thể sử dụng quyền lực để phục vụ lợi ích cá nhân, hoặc “nhóm lợi ích”.
Quan trọng hơn, khi quyền lực chính trị và an ninh tập trung vào một người, nguy cơ độc tài hóa hoặc độc quyền trong việc ra quyết định là rất cao. Điều này có thể dẫn đến việc đưa ra các chính sách thiếu cân nhắc hoặc phục vụ lợi ích cá nhân thay vì lợi ích quốc gia.
Để tránh nguy cơ tha hóa quyền lực, cần thiết phải lập các cơ chế kiểm soát, tăng cường minh bạch, và đảm bảo rằng quyền lực luôn được sử dụng vì lợi ích chung của đất nước và nhân dân. Đây là một điều hết sức khó khăn trong một thể chế toàn trị độc đảng như ở Việt Nam hiện nay.
Trà My – Thoibao.de